Thị trường phân bón quy mô 2 tỷ USD: Làm giả từ sản phẩm đến con dấu kiểm định
Ngày đăng: 12/04/2017
Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Nguyễn Hạc Thúy đã chỉ ra hàng loạt các vụ việc vi phạm trong kinh doanh phân bón bị phát hiện, khởi tố điều tra nhưng đến nay vẫn "chìm nghỉm". Ông Thúy đặt câu hỏi về có lợi ích nhóm, bảo kê trong những vụ việc này.
Họp báo trước thềm Hội nghị về "Lập lại thị trường phân bón" trở nên nóng hơn khi những đối thoại và ý kiến được trao đổi thẳng thắn giữa đại diện các Hiệp hội cùng các cơ quan chức năng, đứng đầu quản lý thị trường phân bón.
Nhà nước đã có nhiều nghị định và thông tư để quản lý, song tình hình sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn hoành hành. Đáng chú ý theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón, sự việc ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, không chỉ trong cơ sở sản xuất, trong đại lý kinh doanh phân bón mà ngay cả các phòng kiểm nghiệm, kiểm định.
Bảo kê như "quả bom nổ chậm"
"Hệ thống lợi ích nhóm, bảo kê của các lực lượng thi hành công vụ, tham gia tiếp tay cho gian thương. Các thành phần này như “quả bom nổ chậm” phá hoại Nghị định, thông tư, bóp méo sự thật, bóp méo pháp luật, gây thiệt hại cho hàng chục triệu nông dân và nền nông nghiệp trong nhiều năm qua" - ông Thúy thẳng thắn chỉ ra.
Theo con số thống kê chưa đầy đủ, có 63 công ty, tổ hợp sản xuất kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng bán ra trên 48 tỉnh thành. Một thị trường có quy mô 2 tỷ USD với nhiều lợi ích lớn đang khiến cho không ít các đối tượng nhảy vào để làm giả từ sản phẩm đến con dấu kiểm định.
Điển hình nhất là vụ án Công ty CP Phân bón Thuận Phong (Đồng Nai) do Văn phòng thường trực 389 phát hiện. Vụ án được các tổ chức liên ngành và các bộ tham gia, kiểm tra. Bộ Khoa học và Công nghệ kết luận phân bón giả với 19/29 mẫu không phù hợp và Bộ Công Thương cũng có kết luận có 08 mẫu phân bón giả.
“Thế nhưng, hơn một năm qua vụ việc chưa được Thủ tướng kết luận thì tỉnh Đồng Nai cho dỡ niêm phong và tha, xử lý hành chính. Phép nước ở đâu? Việc này có nên cho là điển hình về lợi ích nhóm hay không? Các bộ ngành nghĩ sao?" - ông Thúy đặt câu hỏi và đề nghị: "Nếu Thuận Phong không sai thì các bộ ngành kết luận sai. Đề nghị Chính phủ cần có chế tài nghiêm khắc về vụ việc này”.
Đại diện cho người nông dân, Hiệp hội Nông dân Việt Nam cũng thẳng thắn chỉ ra lợi ích nhóm nằm ngay ở chính vụ việc đáng chú ý nhất khi Thanh tra Bộ NN&PTNT báo cáo kết luận số 235 kiểm tra 11 trung tâm khảo nghiệm, kiểm định, thì cả 100% đơn vị đều vi phạm các nghị định, thông tư về quản lý khảo nghiệm phân bón. Theo đó, 11 trung tâm này đã cấp khống, cấp sai hàng chục nghìn mẫu phân bón cho hàng trăm DN, Bộ Công an đã khởi tố một số vụ và Bộ NN&PTNT đã kỷ luật.
Mặc dù vậy, đại diện của cả hai Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương, chịu trách nhiệm trực tiếp cho việc cấp phép các đơn vị này, lại cho rằng "không thể hoàn toàn đổ lỗi" cho các cơ quan chức năng. Đồng thời, trách nhiệm xử lý, thu hồi các sản phẩm này sẽ là đơn vị cấp phép sản xuất phân bón (các trung tâm khảo nghiệm, kiểm định), và cơ quan chức năng của Bộ không có quyền thu hồi.
Có chế tài răn đe, mạnh tay chống lợi ích nhóm
Trước thực trạng trên, ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu VN, bày tỏ nỗi bức xúc trước nhiều vụ việc đã bị phát hiện nhưng không được xử lý, điển hình là vụ việc Thuận Phong. Mặc dù Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo, nhưng ở địa phương và các ngành, các cấp lại dừng lại, nên ông Hùng cho rằng việc chống hàng giả phải đủ sức răn đe, có chế tài mạnh.
"Xử lý vi phạm phân bón giả bằng hình thức hành chính, trong khi các DN sản xuất lãi hàng trăm tỷ nhưng tiền xử phạt không đáng, quá thấp nên các DN vẫn lộng hành. Nói như dân gian chỉ là gãi ghẻ nên họ không sợ, họ sẵn sàng sai phạm và nộp phạt là xong. Chúng tôi cũng đặt ra câu hỏi là tại sao có nhiều vụ sản xuất mà các lực lượng thực thi có thông tin tổ chức kiểm tra thì các cơ sở đóng cửa và bỏ trốn. Vậy có ai báo cho các lực lượng này? Số lượng sản phẩm giả lên tới hàng nghìn sản phẩm, cho thấy lực lượng không nhỏ cán bộ biến chất, có quyền lợi riêng" - ông Hùng chỉ ra.
Ngày 28/9 tới đây, Hội nghị lớn với nội dung "Lập lại thị trường phân bón" sẽ được các bộ, ngành liên quan đồng chủ trì, tổ chức, với sự tham gia của Thủ tướng. Thế nhưng, ông Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng không nên để tình trạng họp tổng kết xong vỗ tay ở hội nghị, kiến nghị mà không thực hiện.
Bởi thực trạng phân bón giả đã trở thành nhức nhối, gây thiệt hại lớn cho người nông dân. Do đó, đối với những đơn vị đã cấp chứng nhận và sản xuất phân bón giả, phải yêu cầu xử lý trách nhiệm, phải trả tiền cho người nông dân và thiết lập lại thị trường lành mạnh hơn.
Tin liên quan:
-
Hàng giả làm... loạn thị trường phân bón
-
Giá cao su ngày 13/06/2017
-
Đạm Ninh Bình gồng mình trả nợ Trung Quốc
-
Vì đâu thị trường phân bón trong nước nhiễu loạn?
-
Thị trường giống cây trồng: Cạnh tranh mạnh mẽ
-
Nông dân lao đao vì áp lực giá phân bón
-
Tin thị trường phân bón hiện nay
-
Hàng chục héc ta lúa chết non tại Tiền Giang: Do mặn hay phân?
-
Phân bón nhập Trung Quốc gắn mác Thụy Sĩ, Hà Lan
-
Đạm Phú Mỹ chi trả cổ tức bằng tiền mặt đợt 1 năm 2016 với tỷ lệ 20%