Thị trường giống cây trồng: Cạnh tranh mạnh mẽ
Ngày đăng: 11/04/2017
Ngành nông nghiệp, nhất là lĩnh vực cây giống và hạt giống (giống cây trồng) đang thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp (DN) lớn, không chỉ DN trong nước mà còn có DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy khá im ắng nhưng đây lại là phân khúc cạnh tranh mạnh mẽ và nhiều tiềm năng
Ngành nông nghiệp, nhất là lĩnh vực cây giống và hạt giống (giống cây trồng) đang thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp (DN) lớn, không chỉ DN trong nước mà còn có DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy khá im ắng nhưng đây lại là phân khúc cạnh tranh mạnh mẽ và nhiều tiềm năng.
Với giá trị nhập khẩu lên tới hàng trăm triệu USD mỗi năm, giống cây trồng đang được xem là "khoảng trống" hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Ngành giống cây trồng Việt Nam có quy mô nhỏ, thị trường khá phân tán với khoảng 260 DN hoạt động tại các địa phương. Trong đó, chỉ có 5 DN lớn, gồm Công ty CP Giống cây trồng Miền Nam (MCP: SSC), Công ty CP Giống cây trồng Trung ương (MCP: NSC), Công ty CP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (MCP: TSC), Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình, Công ty TNHH Giống cây trồng An Giang là trực tiếp đầu tư nghiên cứu và cung ứng giống, chi phối 30% thị phần giống cây trồng của cả nước.
Hiện NSC có thế mạnh ở thị trường miền Bắc và Trung bộ, chiếm khoảng 25% thị phần lúa giống và 27% thị phần ngô giống tại hai khu vực trên. Thế mạnh này đóng góp phần lớn vào doanh thu và lợi nhuận của DN.
Hằng năm, NSC bán khoảng 30.000 tấn hạt giống các loại, tương đương 1 triệu ha gieo trồng, thông qua hệ thống phân phối gần 1.000 đại lý cấp 1.
Với năng lực này, NSC được xem là đơn vị đầu tiên xuất khẩu hạt giống mang thương hiệu Việt Nam ra các nước trong khu vực, đặc biệt là giống rau lai F1.
Dù là công ty con, nhưng lý do khiến Công ty CP Giống cây trồng Miền Nam được xếp vào nhóm DN hàng đầu ngành giống cây trồng ở Việt Nam vì cung ứng mỗi năm từ 8.000 - 10.000 tấn hạt giống các loại và 3.200 tấn bắp giống.
Về bắp giống, SSC được xếp thứ hai với 10% thị phần. Sản xuất, kinh doanh giống lương thực chiếm 70% tổng doanh thu của SSC và miền Nam là thị trường chiếm đến 55% tổng doanh thu của Công ty.
Với nhu cầu giống cây trồng rất lớn, rõ ràng nhóm 5 DN kể trên là con số quá khiêm tốn. Song, theo phân tích của các chuyên gia trong ngành nông nghiệp, để phát triển được giống cây trồng, DN cần phải đầu tư rất nhiều hạng mục, có thể ngốn đến hàng trăm tỷ đồng.
Với quy mô hiện tại, ít DN có điều kiện để phát triển loại hình kinh doanh này. Hai năm trước, để xây dựng nhà làm việc, phòng kiểm nghiệm chất lượng hạt giống đạt tiêu chuẩn quốc gia, hệ thống chế biến, bảo quản hạt giống đạt tiêu chuẩn quốc tế, Công ty CP Giống cây trồng Trung ương đã phải chi gần 130 tỷ đồng.
Theo phân tích của ông Ngô Văn Giáo, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, hiện nay, Việt Nam đã có thể chủ động về lúa giống và bắp giống, còn lại đa phần các giống rau, củ, quả, hoa vẫn phải nhập từ các nước.
Trước câu hỏi liệu các DN Việt Nam có thể cạnh tranh được với DN giống cây trồng nước ngoài, ông Giáo cho rằng, cần phải có thời gian, bởi hiện tại không phải DN Việt Nam nào cũng yếu, thiếu năng lực, vẫn có nhiều DN mạnh, điều này được minh chứng bằng thành quả Việt Nam sau hàng chục năm nhập khẩu bắp giống, lúa giống, mấy năm nay đã chủ động được hai loại giống quan trọng nhất này.
Bên cạnh đó, vẫn có một số DN đang tập trung củng cố năng lực, đáp ứng từng bước nhu cầu của thị trường. Nói đến thị trường là nói đến sự sòng phẳng giữa người bán và người mua, DN nào có sản phẩm tốt, giá cả hợp lý thì sẽ thắng.
DN giống cây trồng Việt Nam vẫn còn yếu hơn DN cùng ngành ở nhiều nước về tài chính, công nghệ, nên rất cần những định hướng và hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước.
Ở góc nhìn khác, GS. Võ Tòng Xuân lo ngại khi thấy Việt Nam luôn được biết đến là nước thuộc hàng top nhóm quốc gia có thế mạnh xuất khẩu nông sản như gạo, cà phê, tiêu..., nhưng lại phù thuộc phần lớn vào nguồn giống nhập khẩu.
Theo chia sẻ của một DN trồng hoa tại Đà Lạt, những năm gần đây, hoa lan của Việt Nam được đánh giá là lĩnh vực tiềm năng để phát triển. Thế nhưng, các giống mới, lạ đều phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Tính đến thời điểm này, Việt Nam chỉ có một vài DN xuất khẩu được hoa lan giống.
Thông tin từ một số nhà vườn tại Đà Lạt cho hay, hiện nay, nhiều giống rau, củ, quả, hoa nhập khẩu được phân phối tại Đà Lạt, dù có giá bán cao vẫn được chấp nhận vì năng suất cao, thị trường cần.
LÊ LOAN - DUY KHUÊ
Theo DNSG
Tin liên quan:
-
Đạm Phú Mỹ chi trả cổ tức bằng tiền mặt đợt 1 năm 2016 với tỷ lệ 20%
-
Vì đâu thị trường phân bón trong nước nhiễu loạn?
-
Hàng chục héc ta lúa chết non tại Tiền Giang: Do mặn hay phân?
-
Cận cảnh cây 'tỷ đô' của Việt Nam
-
Hàng giả làm... loạn thị trường phân bón
-
Nông dân lao đao vì áp lực giá phân bón
-
Đau xót cả nghìn tấn dứa trên cây bỗng dưng thối nhũn, vẫn chưa rõ nguyên nhân!?
-
Ào ạt vào rừng chặt cây, đào gốc chè hoa vàng bán cho thương lái
-
Tin thị trường phân bón hiện nay
-
[Cổ phiếu nổi bật tuần] LAS – Cổ phiếu đầu ngành tụt dốc thảm