Phân bón nhập Trung Quốc gắn mác Thụy Sĩ, Hà Lan
Ngày đăng: 11/04/2017
30%-50% phân bón trên thị trường là giả, kém chất lượng. Đó là con số được đưa ra tại hội thảo “Lập lại trật tự thị trường phân bón” diễn ra sáng 28/9 tại Hà Nội do Bộ Công Thương tổ chức.
Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, ông Nguyễn Hạc Thúy cho biết, cả nước hiện có khoảng 1.000 cơ sở sản xuất phân bón với hơn 7.000 chủng loại lưu hành trên thị trường.
Cũng theo ông Thúy, đáng lo ngại là đa số đơn vị sản xuất phân bón hiện nay nghèo nàn về trang thiết bị, công nghệ, chỉ sử dụng một số thiết bị đơn giản như máy trộn, thùng khuấy dạng lỏng hoặc chảo quay, ống sấy và sàng phân loại là làm thành sản phẩm mà không có phòng thí nghiệm hay xe trộn bê tông.
Ông Thúy cho biết thị trường phân bón hiện nay đang có nhiều cơ sở sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng với một “ma trận” hàng ngàn loại phân bón “thật giả lẫn lộn” khiến nông dân khó nhận diện.
Thị trường phân bón cần phải được lặp lại trật tự, quản lý chặt hơn, Tổng Thư ký Hiệp hội phân bón kiến nghị
Ông Lê Quốc Phong, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền (thương hiệu Đầu Trâu) cho biết: Việc kiểm định chất lượng phân bón hiện cũng có nhiều bất cập. Lấy mẫu đi kiểm tra một tuần sau mới có kết quả, khi đó thì sản phẩm đã được đưa đi tiêu thụ hết. Chưa kể khi mang một mẫu đi giám định ở nhiều nơi lại cho ra các kết quả khác nhau, có thể do cán bộ lấy mẫu không có đủ thời gian và kinh nghiệm.
Ông chủ thương hiệu phân Đầu Trâu cũng cho biết trên thị trường hiện nay, một số loại phân ghi bao bì xuất xứ Thụy Sĩ, Hà Lan, Bỉ… để dễ bán nhưng thực ra nhập từ Trung Quốc. Có loại còn đánh lừa người tiêu dùng bằng dòng chữ “Hiệp hội Phân bón Việt Nam khuyên dùng”, hoặc quảng cáo lên trời “giảm 30-40% lượng phân bón”…
“Vấn nạn phân bón giả góp phần khiến nông dân không còn mặn mà với đồng áng bởi dùng phân giả khiến năng suất kém, người dân thất bát”, Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn cho biết.
Theo Cục Hóa chất, Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu thụ trong nước khoảng 11 triệu tấn phân bón các loại, trong đó, phân bón vô cơ chiếm khoảng 90% nhu cầu, phân hữu cơ và phân bón khác chiếm phần còn lại. Năng lực sản xuất đáp ứng được gần 80% nhu cầu tổng; phân đạm urea cung vượt cầu khoảng 400.000 tấn, phân lân, phân hỗn hợp NPK cơ bản đáp ứng, DAP đáp ứng 65% nhu cầu. Phân kali và SA hiện nay chưa sản xuất được do không có lợi thế về nguyên liệu, phải nhập khẩu hoàn toàn.
Hiện cả nước có khoảng 800 doanh nghiệp sản xuất phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ, các đơn vị sản xuất phân bón quy mô lớn thuộc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và một số doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (Phân bón Việt Nhật, Ba Con Cò..).
Doanh nghiệp tư nhân chiếm đa số trong các doanh nghiệp sản xuất phân bón, ngoại trừ một số cơ sở được đầu tư khá bài bản, hầu hết đều nhỏ lẻ, mức đầu tư thấp, sản xuất theo mùa vụ, công nghệ đơn giản. Một số doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu về điều kiện sản xuất phân bón như trang thiết bị, nhà xưởng, phòng thử nghiệm phân tích chất lượng, yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, an toàn, môi trường.
Hiện nay đang có sự đùn đẩy trách nhiệm trong công tác quản lý phân bón. Theo Nghị định 202, việc thanh kiểm tra các tổ chức, cá nhân vừa sản xuất phân bón vô cơ, vừa sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
Việt Nam nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc nhiều nhất
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2015 tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng phân bón đạt 793 nghìn tấn, trị giá 280 triệu USD giảm 25,2% về lượng và trị giá so với năm 2014.
Thị trường xuất khẩu phân bón chủ yếu là các nước thuộc khu vực Đông nam Á, trong đó Campuchia là thị trường lớn nhất, tiếp theo là các thị trường Hàn Quốc, Malaixia, Philipines chiếm tỷ trọng lần lượt khoảng 10%, còn lại là Thái Lan, Lào…
Năm 2015 tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng phân bón đạt 4,505 triệu tấn, trị giá 1,42 tỷ USD tăng 18,7% về lượng và 14,5% về trị giá so với năm 2014. Trung Quốc là thị trường cung cấp phân bón lớn nhất cho Việt Nam.
Tin liên quan:
-
Giá cao su ngày 13/06/2017
-
50% thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu Trung Quốc
-
Tội phạm phân bón chỉ đứng sau ma túy
-
Hàng chục héc ta lúa chết non tại Tiền Giang: Do mặn hay phân?
-
[Cổ phiếu nổi bật tuần] LAS – Cổ phiếu đầu ngành tụt dốc thảm
-
Nông dân lao đao vì áp lực giá phân bón
-
Đau xót cả nghìn tấn dứa trên cây bỗng dưng thối nhũn, vẫn chưa rõ nguyên nhân!?
-
Thị trường phân bón quy mô 2 tỷ USD: Làm giả từ sản phẩm đến con dấu kiểm định
-
Mất 2 tỉ USD/năm vì phân bón giả
-
Đạm Ninh Bình gồng mình trả nợ Trung Quốc