Hàng chục héc ta lúa chết non tại Tiền Giang: Do mặn hay phân?

Ngày đăng: 12/04/2017

Hàng chục hécta lúa non của bà con nông dân tại “Cánh đồng liên kết” (CĐLK) ấp 4, xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đang xanh tốt bỗng ngả sang màu vàng hoe, héo úa rồi chết lụn dần sau khi bón phân. Nhiều nông dân bức xúc cho rằng lúa chết do phân bón, còn nhà sản xuất phân cho rằng do ảnh hưởng hạn - mặn…

Lúa non chết lụn hàng loạt

Theo thống kê của UBND xã Mỹ Thành Bắc, hiện có hơn 20ha lúa của 17 hộ dân tại CĐLK ấp 4 của xã này xảy ra tình trạng ngả màu vàng lá, chết lụn dần chưa rõ nguyên nhân. Trước thực trạng lúa chết hàng loạt, nhiều nông dân cho rằng, lúa chết do bón phân Lio-Thái (sản phẩm của Cty TNHH phân bón hữu cơ Freenfield). Hộ ông Hà Văn Ngoan phản ánh, vụ lúa mùa năm nay gia đình gieo sạ 1,8ha lúa giống OM-5451. Đến khi cây lúa làm mạ được 11 ngày tuổi lúa vẫn xanh tốt. Tuy nhiên sau khi ông Ngoan bón phân Lio-Thái kết hợp một lượng ít phân Super Humic (sản phẩm của Cty TNHH hóa nông Hợp Trí) cho lúa, được khoảng 2-3 ngày sau, toàn bộ diện tích lúa non bỗng đồng loạt ngả màu vàng hoe, héo úa rồi chết lụn dần.

“Từ hôm lúa bị “ngộ độc” đến nay, tôi dùng mọi biện pháp: Rải vôi, xả nước, bơm nước mới vào… cứu lúa tốn biết bao nhiêu là chi phí nhưng vẫn không cứu nổi, đành bất lực nhìn lúa chết” - ông Ngoan bức xúc. Không chỉ riêng hộ ông Ngoan, nhiều diện tích lúa non của nông dân tại CĐLK ấp 4 cũng xảy ra tình trạng tương tự. Bị thiệt hại nặng nề nhất là hộ ông Nguyễn Văn Đẳng có 3ha lúa bị chết hầu như hoàn toàn. Nhiều nông dân cho biết, đây là năm đầu tiên họ vào mô hình CĐLK được Cty lương thực Tiền Giang hỗ trợ giống lúa OM-5451, Cty Freenfield hỗ trợ 30% phân bón và Cty Hợp Trí hỗ trợ 30% thuốc nên bước đầu nông dân rất phấn khởi. Tuy nhiên hiệu quả của mô hình CĐLK ngoài mong đợi của nông dân. Đứng nhìn hàng hécta lúa bị chết dần, hộ ông Phan Văn Lực than thở: “Hiện tượng lúa chết này từ trước tới nay ở địa phương chưa từng xảy ra. Nay là năm đầu tiên chúng tôi tham gia CĐLK, nhưng mới “bắt tay” mà đã xảy ra hiện tượng thế này, thiệt hại quá lớn”.

Do phân bón hay hạn - mặn?

Theo người dân phản ánh, thời điểm họ đồng loạt bón phân Lio-Thái cho lúa thì hộ bà Hà Thị Thương ở cùng ấp, do bận công việc gia đình nên chưa kịp xuống phân. Vài ngày sau khi thấy lúa của nhiều hộ xung quanh bị vàng lá và chết dần, bà Thương ngừng ngay việc bón phân Lio-Thái. Kết quả mảnh ruộng của hộ bà Thương không bị ảnh hưởng, lúa vẫn xanh tốt. Trong khi đó hàng loạt diện tích lúa của hàng chục hộ dân bón phân Lio-Thái đều xảy ra hiện tượng lúa chết như nhau.

Bà Phạm Thu Hiền - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thành Bắc - cho biết, nông dân nói lúa chết do phân, còn Cty nói lúa chết chưa rõ phân hay thuốc, hay do hạn - mặn, nguyên nhân đang chờ ngành chức năng kết luận. Hiện các nhà cung cấp phân, thuốc đang phối hợp với ngành chức năng tổ chức thử nghiệm lại sản phẩm (lượng phân bón và thuốc bà con nông dân chưa sử dụng hết) trên một phần ruộng khác để làm rõ lúa chết do đâu. Quá trình tổ chức thử nghiệm có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng và nông dân. “Nếu xác định chính do phân hoặc thuốc của các Cty trên gây thiệt hại cho lúa thì chúng tôi sẽ kiến nghị các Cty có chính sách đền bù thỏa đáng cho nông dân” - bà Hiền nói.

Ông Trần Anh Hòa - Phó TGĐ Chi nhánh Cty TNHH phân bón hữu cơ Freenfield (quận Tân Bình, TPHCM) - cho biết, cơ quan chức năng đã lấy mẫu phân bón Lio-Thái và thuốc của Cty Hợp Trí gửi lên Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (TPHCM) khảo nghiệm, đang chờ kết quả. “Tôi tin tưởng vào sản phẩm của Cty mình, tôi nghi ngờ có thể lúa chết không phải do phân mà do ảnh hưởng của đợt mặn kéo dài sau tết. Trong đất còn bị mặn nên khi bà con gieo sạ xong không nên bón phân hữu cơ sớm sẽ làm tăng thêm độ mặn khiến lúa bị chết” - ông Hòa nói. Ông Hòa cũng cho biết, dù chưa biết là lỗi do đâu, nhưng trước mắt Cty chúng tôi vẫn có chương trình hỗ trợ nông nghiệp cho nông dân có sử dụng sản phẩm phân bón Lio-Thái để chia sẻ khó khăn với bà con nông dân.

Theo Thành Huyền

Lao động

 
TỪ KHÓA